Rất nhiều content writer mới vào nghề thường mắc sai lầm khi không có định hướng xây dựng chiến lược content marketing hiệu quả.
Là chủ doanh nghiệp chắc chắn không ai muốn lãng phí thời gian, tiền bạc đầu tư cho những nội dung không mang về lợi ích. Một chiến lược nội dung đủ mạnh sẽ là ‘kim chỉ nam’ để content luôn ‘keep on track’ trong hành trình sáng tạo. Đồng thời, đây cũng là guideline để các content writer non trẻ tránh khỏi bế tắc trong việc phát triển nội dung.
Vậy làm thế nào để tạo được một chiến lược nội dung hiệu quả?
1. Không có mục tiêu, content marketing chỉ là ‘đống đổ nát’!
Tưởng tượng nhé, nếu xây nhà chắc chắn bạn sẽ phải ước tính số tầng muốn xây trước khi thuê người thiết kế. Tương tự, khi làm content marketing bạn phải có mục tiêu cụ thể để bắt đầu tính kế, ủ mưu.
Marketing giỏi phải kiếm được tiền. Content marketer giỏi phải biết mình đang ‘múa bút’ vì điều gì. Xây dựng chiến lược content bắt nguồn từ mục tiêu nên là mindset của các copywriter. Content Marketing phải bắt rễ từ vấn đề của thương hiệu, của business. Dù có viết hay ra sao, bài viết được nhiều share thế nào, mọi thứ cũng quay về câu hỏi cơ bản – content của bạn đang giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề gì?! Mục tiêu marketing đi trước, mục tiêu nội dung đi sau. Điều buồn cười là phần lớn chúng ta lại lao vào sản xuất nội dung, coi số lượng bài viết là mục tiêu mà hiếm khi nhìn được bức tranh lớn phía trên.
FMCG, F&B hay dịch vụ, khởi nghiệp, tăng trưởng hay mất thị phần – tuỳ vào ngành hàng và thời điểm, chiến lược content sẽ có mục tiêu khác nhau:
- Tăng nhận biết thương hiệu
- Tăng traffic về website
- Thu thập thông tin khách hàng
- Tăng khả năng upsell cho các sản phẩm hiện có
Bạn đang chọn mục tiêu nào làm trọng tâm? Nếu chưa có, đừng ngại ngần review lại kế hoạch phát triển nội dung của công ty. Một thay đổi nhỏ về cách nhìn cũng có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí.
2. Chiến lược content tốt phải xuất phát từ lăng kính người dùng
Một căn nhà muốn xây tốt cần dựng trên nền móng vững chãi. Chiến lược nội dung muốn vững vàng, phụ thuộc vào việc bạn “đào” insight được bao sâu. Nghĩ thử đi, thế giới đã có quá nhiều những content nhàm chán! Nếu không nói đúng những gì người tiêu dùng muốn tin, họ sẽ chẳng thèm cho bạn một cái liếc nhìn. Phải làm gì để trở nên khác biệt giữa muôn vàn quảng cáo, đó chính là nhiệm vụ của content leader trong việc “khai thác” và “sử dụng” insight.
Nói thì dễ nhưng để tìm insight không khác gì ‘mò kim đáy bể’. Vấn đề thường gặp của dân content trong kỷ nguyên digital là phụ thuộc quá nhiều vào “tool”. Social listening tool chỉ cho bạn thấy những gì người ta nói trên internet. Thế nhưng văn hóa “thể hiện cái tôi” và “muốn được chú ý” trên mạng xã hội sẽ khiến họ hành động khác xa với đời thường. Bởi vậy, chỉ dựa vào tool để “dò dẫm” insight cũng giống như Facebook post: “mọi người nghĩ…, thực tế là…”.
Muốn xâm nhập vào thế giới nội tâm người tiêu dùng đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian “ngấu nghiến, nghiền ngẫm” nhiều nguồn thông tin. Social listening tool chỉ là một trong số đó.
Điều thú vị nhất sau khi “bắt” được insight là tiếp cận vấn đề với idea thật BIG. Big idea đơn giản là “điều bạn muốn nói” sau 1000 bài viết. Nó là gốc rễ cho mọi câu chuyện bạn kể. Sự sáng tạo giúp câu chuyện vươn dài cành ra và lan tỏa thông điệp xung quanh. Làm thế nào để giữ cho thông điệp luôn được truyền tải một cách mới mẻ và hấp dẫn? Làm sao để content “chạm” tới người tiêu dùng? Nhiệm vụ của bạn là phải nhào nặn “insight” thành những thông điệp mạnh mẽ khiến người xem nhớ mãi không nguôi. Và khi người xem gật gù, tán thưởng hay chia sẻ “những gì bạn nói”, bạn đã thành công rồi đấy!
3. Content pillar – yếu tố sống còn của một chiến lược nội dung
Content pillar là gì nhỉ?
Lại nói đến việc xây nhà, sau khi xong phần móng, các cột trụ sẽ được xây dựng để chống đỡ toàn bộ cho ngôi nhà. Với content strategy thì những cột trụ đó sẽ là content pillar hay còn gọi là những nhóm chủ đề chính được phát triển từ big idea. Các content pillar này có sứ mệnh định hướng để nội dung trở nên nhất quán để đạt được mục đích đề ra.
Nhóm chủ đề/nhóm nội dung – nghe qua thấy có gì chung không? Bạn đoán đúng rồi đó. Chìa khoá nằm ở chữ nhóm. Content Pillar có đặc điểm là phải đủ lớn để từ đó, bạn có thể dễ dàng bung lụa với các dạng format khác nhau mà không sợ bị lệch khỏi định hướng ban đầu. Thiếu đi bạn pillar này, dễ hiểu vì sao bạn bỗng thấy Facebook post hay, website article có vẻ hơi ‘lạc quẻ’ so với big idea và key message của chiến dịch.
Bên cạnh cách tiếp cận vấn đề linh hoạt, bạn cũng cần đa dạng hóa content format cho từng platform. Tại sao vậy? Bởi hành vi người dùng không hề giống nhau trên mỗi kênh. Đơn cử như Facebook, audience ngày càng lười biếng trong việc xem kỹ nội dung. Không muốn content chết yểu sau vài giây, bạn phải tạo ra format sinh động hơn như gif, video, hình ảnh 360 độ…. Ngược lại, với youtube, người xem thường ít tương tác và có khuynh hướng xem tự động hơn. Do đó, chỉ có thấu hiểu hành vi và đặc điểm mỗi kênh, bạn mới chọn được format “quyến rũ” người xem.
Content – làm sao đa kênh mà vẫn nhất quán là bài toán hóc búa với content leader. Nhất là trong bối cảnh digital phát triển như hiện nay. Bản thân người làm content vừa phải sáng tạo liên tục, lại vừa phải nắm rõ về digital platform để tạo nội dung phù hợp. Sẽ rất khó để một bạn chuyên viết bài PR hay bài SEO có được sự nhanh nhạy hợp thời như các bạn làm social. Tương tự, các bạn quen với những nội dung social kiểu hay hay vui vui lại cực kỳ khó để biết được thế nào là content website strategy, email content strategy. Đã làm nội dung thì phải luôn hoàn thiện mình, tìm hiểu đa dạng các loại hình. Có như vậy, bạn mới lên được một content marketing strategy giải quyết được một vấn đề kinh doanh.
Tóm lại, chiến lược content marketing ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh. Đừng lơ ngơ với những thủ thuật giật tít, câu like và các công thức viết bài cứng nhắc nữa. Đã đến lúc bạn cần cái nhìn bài bản hơn! Làm thế nào để content marketing mang về lợi ích tối đa cho doanh nghiệp?
Xem thêm bài viết khác tại đây.
Xem thêm về Express Agency.