[CASE STUDY] “Quảng cáo như không quảng cáo”

Một người ở Anh phải tiếp xúc 125 – 900 quảng cáo/ngày, còn tại Bắc Mỹ, con số này có thể lên tới 3000. Đây là số liệu thống kê từ nhiều năm trước và chắc chắn nó đang không ngừng tăng lên khi mà các thương hiệu ngày càng đẩy mạnh hoạt động quảng cáo. Điều này khiến cho công chúng dần có thái độ nghi ngờ, đề phòng, hoặc tìm cách tránh xa các nội dung quảng cáo.

Bởi vậy, muốn thu hút cũng như tăng thêm niềm tin của độc giả, các nhà tiếp thị cao thủ sẽ dùng chiến thuật “quảng cáo như không quảng cáo”. Chiến thuật này có hiệu quả không? Nó được áp dụng như thế nào? Để biết câu trả lời hãy tham khảo cách của 5 thương hiệu lớn sau đây:

1. Quảng cáo của Mercedes-Benz

Giữa xe ô tô và blogger thời trang tưởng chừng không liên quan lại cùng xuất hiện trong một video. Điều này có khiến bạn thích thú? Vào năm 2014, Mercedes đã hợp tác với blogger thời trang nổi tiếng Leandra Medine để cho ra mắt một video ngắn với tựa đề A Day in the Life of the Man Repeller (biệt danh của Medine) – Một ngày của Man Repeller
 

Hơn 3 phút của video chủ yếu miêu tả một ngày của Leandra Medine. Mọi hoạt động của nữ Blogger này đều bình thường chỉ có một điểm khác biệt duy nhất chiếc Mercedes sẽ xuất hiện khi Leandra Medine cần di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác.
Video này thu hút không ít lượt xem nhờ vào ý tưởng tinh tế: kết hợp thể hiện thời gian biểu hàng ngày và lồng ghép sản phẩm – quảng cáo nhưng không hẳn là quảng cáo. Video này là một trong số một loại video được đăng tải trên kênh YouTube của Mercedes. Các video đó vừa hấp dẫn người xem lại vừa củng cố hình ảnh của Mercedes trong mắt công chúng.

2. Hãng hàng không JetBlue

Với chiến lược tiếp thị nội dung tập trung vào mạng xã hội và thành quả là 1,3 triệu người trên Facebook, 1,9 triệu người trên Twitter, và 290 ngàn người trên Instagram, rõ rãng hãng bay đến từ Hoa Kì này đang đi đúng hướng khi gây sự chú ý của độc giả.

Ví dụ như với Instagram, JetBlue hướng đến nhóm độc giả chính – những người thích đi máy bay/du lịch – bằng cách đăng nội dung hấp dẫn họ. Trong đó có bài đăng hàng tuần kèm hashtag #DestinationFriday. Mỗi bài đăng này sẽ gồm hình ảnh thu hút của một địa danh cùng với những lời khuyên từ phi hành đoàn và cả những câu đố gây tò mò cho những người theo dõi.

3. Chợ đồ thủ công Etsy

Là nền tảng trực tuyến chuyên mua bán sản phẩm thủ công và những món đồ độc lạ, Etsy cũng không thể bỏ qua mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu là Facebook.

https://www.facebook.com/etsysuccess/videos/269810873839124/

 
Trên trang Etsy Success của thương hiệu này, nội dung được tạo ra bởi cộng đồng những người bán chính chứ không phải Etsy. Nội dung của trang đa dạng bao gồm những bí quyết quản lí cửa hàng Etsy, chia sẻ những câu chuyện thành công trên “thương trường”, và có cả phần quà tặng độc giả.
Hình thức này không trực tiếp thúc đẩy doanh số nhưng cũng có hiệu quả trong việc tăng sự hiểu biết của công chúng về công việc của một “lái buôn” trên Etsy, cũng như hiểu được cách Etsy hỗ trợ họ chăm sóc cửa hàng trực tuyến.
 

4. Hãng thời trang The Elephant Pants

Đây là cửa hàng trực tuyến bán quần harem pants (loại quần được thiết kế với phần hông rủ và càng xuống mắt cá chân thì càng ôm) và nhiều món thời trang khác. Không tập trung nói về sự thoải mái của những chiếc quần như các hình thức quảng cáo truyền thống, The Elephant Pants lại đưa thương hiệu của mình đến gần với vấn đề xã hội: sự tuyệt chủng của loài voi.
Với ý tưởng đó, họ đã thiết kế chiến lược tiếp thị nhằm thu hút và thông báo khách hàng về sứ mệnh bảo vệ loài vật này theo một cách ngộ nghĩnh và tương tác cao – câu đố. Những câu hỏi như “Bạn giống voi đến mức nào?” hướng đến đối tượng người yêu động vật/voi và giúp họ giải trí trên trang web mà không phải “nhắc khéo” họ móc hầu bao.

5. Trang cho thuê chỗ ở Airbnb

Chỉ trong một thời gian ngắn mà cái tên Airbnb trở nên phổ biến khắp mọi nhà – tất nhiên là nhờ vào chiến lược tiếp thị nội dung cực kì hiệu quả.
 
Định hướng dịch vụ là cung cấp chỗ ở giá rẻ trong thời gian ngắn cho những người đi du lịch, Airbnb ưu tiên mang đến nội dung cần thiết thông qua các kênh như sách hướng dẫn – những thông tin này đến từ người địa phương từ nhiều thành phố, mách nước về những địa điểm lí tưởng để ăn uống hay mua sắm ở các thành phố đó.
Những nội dung này hữu ích với những người chuẩn bị đi du lịch. Vì thế nó đã khiến công chúng có nhu cầu chủ động tìm đến Airbnb, khiến cho thương hiệu này trở thành một trong những thương hiệu du lịch phát triển vượt bậc.

6. Quảng cáo của Adidas

Adidas thương hiệu nổi tiếng về dụng cụ và trang phục thể thao, đã có chiến lược tiếp thị tiếp thị trên các nền tảng B2B như mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn. Lý do Adidas lựa chọn LinkedIn, mạng xã hội thiên về trao đổi doanh nghiệp, là bởi nó có một lợi thế cố hữu: các thành viên tham gia cũng chính là người tiêu dùng.
Trang của Adidas tạo ra sự chú ý khi đăng bài rằng hãng hợp tác với một huấn luyện viên Yoga (cũng là vận động viên đại diện cho hãng). Mặc dù bài đăng không gợi ý cho người dùng mua sản phẩm của Adidas, nhưng nó giúp độc giả hiểu được cuộc sống của nhân viên của hãng, qua đó đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.
Qua các ví dụ trên, có thể thấy để tạo ra những quảng cáo “thân thiện” với công chúng, các doanh nghiệp cần nắm được loại hình và chủ đề nội dung mà độc giả chủ đạo mong muốn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tìm hiểu dữ liệu khách hàng, xác định chủ đề và loại hình nội dung mà độc giả mong muốn, và làm tất cả mọi thứ để tạo nội dung từ dữ liệu thu thập cho độc giả. Một khi có nội dung hấp dẫn, người dùng sẽ tự tìm đến đến thương hiệu và trở thành khách hàng chỉ sau phút chốc xem nội dung quảng cáo… trực tuyến.
 
Theo Entrepreneur

Xem thêm bài viết khác tại đây.

Xem thêm về Express Agency.