Còn nhớ những chiếc PDA đời đầu không mấy thành công bởi nó là một phương tiện quá chuyên biệt, phục vụ cho không chỉ tầng lớp giàu có – những business man cần phải liên tục làm việc 24/7, PDA chết vì không phục vụ được số đông công chúng, Tuy nhiên thực tế nếu đánh giá sâu sa hơn thì đó là một bước thử nghiệm cần thiết cho một cuộc cách mạng mang tên “Hệ sinh thái cảm ứng”.
Ngày nay, sẽ gần như không thể tách rời giữa “Hệ sinh thái” và “Cảm ứng”. Trong những thập niên 90, công nghệ cảm ứng ấn chạm bắt đầu được sản xuất đại trà, biến những ước mơ trong các bộ phim viễn tưởng trở thành sự thật. Cho dù vậy thì PDA cũng không thành công nếu không muốn nói là thất bại. Không chỉ là người dùng hạn hẹp, hạ tầng công nghệ chưa đủ để kết nối mà gốc rễ đó chính là chưa có “Hệ sinh thái”.
Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi tại sao lại có hàng vạn ứng dụng miễn phí trên 2 nền tảng iOS và Android như vậy ? Kể cả có cả những ứng dụng không miễn phí nhưng liệu bạn có bỏ ra 1 $ để mua 1 ứng dụng khi đang cầm trên tay 1 chiếc smartphone có giá tới gần 1.000 $ ?
Rất nhiều người không nhìn ra được bản chất thành công của Apple với iPhone. Nó không chỉ nằm ở những tính năng thú vị hay ho của thiết bị, cả điện thoại Samsung cũng thế, như đã nói ở trên, chúng chẳng khác gì những chiếc máy PDA ngày trước. Nhưng chúng thành công bởi hệ sinh thái kho ứng dụng có thể nói là “bất tận” và “trường tồn”. Nếu hỏi “cái chợ” nào lớn nhất thế giới thì có lẽ ít người nhận ra 2 cái chợ miễn phí lúc nào cũng trên tay mình đó là AppStore và Google Play Store. Các hãng cũng thi nhau làm ra Store của riêng mình nhưng hai chợ ứng dụng này chẳng có đối thủ nào đủ tiềm lực để theo kịp.
Như biểu đồ có thể thấy tổng số lượng ứng dụng điện thoại di động của 2 nền tảng iOS và Android đạt ~5,5 triệu ứng dụng vào năm 2017.
” Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chi tiền mua ứng dụng nhiều hơn 2 lần so với khu vực châu Mỹ “
Trong năm 2017, người dùng Android tại châu Mỹ đã chi khoảng 6.2 tỷ USD cho ứng dụng và dịch vụ trong Google Play Store. Và con số đó là gấp đôi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương: 11.2 tỷ. Một trong những lí do giải thích cho điều này là ở châu Á – Thái Bình Dương, nhiều nhà mạng cho phép người dùng thanh toán trực tiếp vào hóa đơn điện thoại, thay vì sử dụng thẻ debit hay credit.
” 41% lượt tải ứng dụng Android là để tải game và 88% lượng tiền người dùng chi cho giải trí “
Với hơn 71.4 tỷ lần tải ứng dụng từ Google Play, và từ đó người dùng đã móc hầu bao ra 22 tỷ USD. Nhưng 88% trong số tiền đó, tức 19.4 tỷ, được dùng để thanh toán trong game và mua game.
Miếng bánh 500,000,000,000 USD của năm 2019.
Hai cái chợ với số lượng hàng hoá và sức mua “khủng khiếp” và người dùng có đủ mọi thứ trên đó, thoả sức sắm sửa cho chiếc điện thoại – bất ly thân của mình. Bởi vậy tôi mới gọi nó là “Finger Age” – Kỷ nguyên của những ngón tay! Nếu bạn để ý, ngày nay đến cả 1 đứa con nít cũng biết vào Store tải app hoặc typing tìm video trên youtube. Hãy thử nghĩ lúc bằng tuổi chúng nó ngón tay chúng ta đang làm gì ?… À, có lẽ là bắn bi.
Ngày nay từ già đến trẻ, mọi tôn giáo, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, có ai là không “cảm ứng”. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà ngón tay làm chủ mọi phương tiện thông tin với một tốc độ phi thường. Một cú click của ba mẹ qua app ngân hàng là chúng ta nhận được tiền chứ không phải ra bưu điện gửi điện tín như ngày trước. Thêm một cú click của khách hàng vào nút “register” cũng đủ làm nên một kỳ tích truyền thông thành công rực rỡ. Hay đơn giản, một cú click “Post” của một KOL nào đó cũng đủ làm cả cộng đồng mạng trỗi dậy… Một thế giới được kiến tạo bởi những cú “touch”.
Khi giảng dạy ở FPT, tôi thường đặt câu hỏi với sinh viên của mình rằng: các bạn đang sống quá nhanh, đang lướt quá nhiều, thử hỏi một ngày bạn vẩy ngón cái để scroll màn hình new feed của Facebook bao nhiêu lần để đọc thông tin? Và bạn dừng lại vào lúc nào ? – Phần đa các bạn đều trả lời rằng “Khi em thấy một điều gì đó thú vị”. Ồ đó, nhiệm vụ của người làm truyền thông đơn giản lắm: Làm cho những ngón tay đó dừng lại… !
– Còn tiếp –