Mạng xã hội đang cho thấy sự biến đổi nhanh chóng các dịp đặc biệt. Một số dịp đặc biệt có dấu hiệu thay thế lẫn nhau. Ví dụ như: Cá tháng Tư 2018 đã trở thành một ngày “Toàn dân tỏ tình”, thay vì “Quốc tế nói dối”. Ngày Valentine 2019 cũng không nằm ngoài quy luật này. Trong năm 2019, chỉ có 14% lượng thảo luận đến từ những cặp đôi yêu nhau. Mặt khác, những người có gia đình chiếm tới 60% lượng thảo luận! Vậy điều gì đang diễn ra với ngày Valentine? Liệu sự thay đổi này có mở ra hay khép lại cơ hội của thương hiệu và ngành hàng nào? Hãy xem 3 Insight đắt giá mùa Valentine này là gì nhé!
Những insight đắt giá mùa Valentine
#insight 1: Valentine mở ra cơ hội cho nhóm ngành hàng hướng tới nhóm đối tượng “lớn tuổi hơn”
Các thương hiệu đang tận dụng Valentine đa phần đang hướng tới nhóm đối tượng khách hàng trẻ: chưa có người yêu hoặc có người yêu nhưng chưa kết hôn. Có thể kể đến là các thương hiệu trong ngành: Game, rạp chiếu phim… với các thông điệp về “Tỏ tình với người thương”, “Tỏ tình với crush”. “Tán đổ”, “Chinh phục”, “Bí kíp”, “Thầm thương”, “Thoát ế” là những từ ngữ được thương hiệu thường xuyên sử dụng. Ngành hàng game đang truyền tải rất tốt thông điệp này tới nhóm người dùng độc thân.
Tuy nhiên, phần lớn lượng thảo luận cho thấy Valentine là dịp để người dùng gửi lời tri ân và hứa hẹn đến người bạn đời!
Vợ chồng lại không cần phải “tỏ tình” hay “tán đổ” nhau. Với những cặp vợ chồng, Valentine là dịp để họ: (1) cảm ơn người bạn đời vì chặng đường vừa qua, (2) chúc sức khỏe, bình an, hạnh phúc và (3) đưa ra những mong đợi, hứa hẹn cho chặng đường sắp tới.
Do đó, còn một khoảng trống lớn cho các thương hiệu nhắm đến khách hàng mục tiêu là là nhóm đã có gia đình: tặng vợ – thay vì tặng bạn gái, cảm ơn vợ – thay vì chỉ tỏ tình. Các hoạt động social media marketing cần phải điều chỉnh thông điệp cho phù hợp và rõ ràng hơn, thay vì chỉ đưa ra một thông điệp chung chung, thiếu tính kết nối.
#insight 2: Ngôn ngữ thay đổi
Các thành viên trong gia đình thường gọi nhau bằng những từ ngữ rất đặc trưng mà thương hiệu chưa sử dụng trong Valentine 2019
Mỗi nhóm đối tượng có kho từ vựng riêng để giao tiếp với nhau. Nếu muốn tạo sự liên kết với một nhóm đối tượng cụ thể, điều trước tiên thương hiệu cần làm là nói đúng ngôn ngữ và tận dụng được kho từ vựng của nhóm đối tượng đó.
Các thương hiệu đang tiếp cận người dùng bằng những từ như “người yêu”, “người ấy”, “gấu iu” (dành cho nhóm có người yêu), hoặc “crush”, “mượn rượu tỏ tình” (dành cho nhóm ế). Ngoài ra, thương hiệu cũng đang sử dụng một số từ mang nét nghĩa chung, như “người thương”, “người yêu thương”.
Trong khi đó, nhóm có gia đình – nhóm chiếm thị phần thảo luận cao nhất, lại đang dùng những từ như “bạn chung giường” hay “bạn cùng phòng” để gọi nhau. Như vậy, giữa ngôn ngữ của gia đình và ngôn ngữ của thương hiệu đang có sự khác biệt. Vì thế, các thông điệp mang tính kêu gọi hành động (call to action) của thương hiệu sẽ rất khó kết nối với nhóm đối tượng tiềm năng nhất trong ngày này.
#insight 3: Món quà Valentine thay đổi → mở ra cơ hội lớn hơn cho 1 số nhóm ngành hàng khác
Món quà Valentine không chỉ bao gồm hoa & chocolate. Người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn về sản phẩm dùng làm quà + thông điệp/ ý nghĩa của món quà → thay đổi sản phẩm và tiêu chí chọn quà
Khi đã hiểu được ngôn ngữ người dùng, bước tiếp theo thương hiệu cần làm là hiểu được hành vi của họ. Vào ngày Valentine, tặng quà là hoạt động phổ biến nhất của nhóm đã có gia đình. Như Valentine mọi năm, đa số, chồng sẽ là người tặng quà, còn vợ sẽ là người nhận quà. Như vậy, đang có hai hướng đi cho thương hiệu: (1) cùng chồng đi tìm món quà lý tưởng tặng vợ, (2) cùng vợ kêu gọi chồng tặng quà cho mình.
Ngoài ra, thương hiệu cũng nên chú ý: Một nhóm phụ nữ hướng đến quan niệm “yêu bản thân”, không đợi quà từ chồng. Đây sẽ là hướng tiếp cận khác cho thương hiệu: Tận dụng ngày Valentine để xây dựng hình ảnh người phụ nữ độc lập.
Hoa và chocolate là hai sản phẩm truyền thống trong ngày Valentine. Tuy nhiên, đây không phải là các món quà gia đình duy nhất. Thậm chí, với một bộ phận người dùng, bản thân con cái hay người bạn đời của họ đã là món quà. Câu hỏi đặt ra là: Sản phẩm nào đã thay thế chocolate để trở thành món quà gia đình phổ biến thứ hai, chỉ sau hoa? Ngoài “con cái” và “bạn đời”, quà gia đình còn là…?
Xem thêm bài viết khác tại đây.
Nguồn: Buzzmetrics